Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

5 “bước” hoàn hảo để vượt qua mọi thất bại

Tiếp tục cố gắng

Dù nhà tuyển dụng nói: “Chúng tôi sẽ lưu lại hồ sơ của bạn” như một cách để làm giảm bớt sự thất vọng của ứng viên bị loại nhưng chắc chắn bạn vẫn có hi vọng ở những lần sau. Kador khuyên bạn nên tiếp tục nộp đơn vào những vị trí thích hợp ở các công ty đã đăng kí cũng như ở nơi khác và giữ liên lại với những nhà tuyển dụng bạn đã tiếp xúc. Và cách liên lạc tốt nhất là qua email, thư tay.

Bạn hy vọng rất nhiều về cơ hội lần này: các kĩ năng của bạn đáp ứng hầu hết yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn hảo như vậy. Bạn vừa nhận được thông báo vẻn vẹn rằng mình đã bị loại. Vậy bạn sẽ phải làm gì tiếp sau?

Đừng dằn vặt bản thân về thất bại

John Kador, tác giả cuốn sách “301 câu hỏi hay nhất để hỏi trong cuộc phỏng vấn”, khuyên bạn nên rút ra bài học từ mỗi lần bị từ chối và lạc quan rằng đó không hẳn là do lỗi của bạn. “Đôi khi sự thật bại xảy đến không phải do bạn đã làm sai. Đó chỉ là do có ai đó xuất sắc hoặc may mắn hơn. Và cũng có thể là công ty đã chọn được một người từ trước và chỉ tiến hành phỏng vấn những người khác cho đúng trình tự”.

Do đó đừng tự dằn vặt bản thân. Thay vào đó hãy viết ra những điều bạn học được và bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng vào những lần tiếp theo từ chính sự nỗ lực của mình.

Gửi lại phản hồi một cách lịch thiệp

Cách bạn kiểm soát bản thân sau một lời từ chối có thể khiến nhà tuyển dụng  xem xét lại trường hợp của bạn hoặc giới thiệu bạn cho một nhà tuyển dụng khác. Liz, Lynch, tác giả cuốn sách “Xây dựng mạng lưới thông minh”, góp ý: “Sau khi biết kết quả, hãy gửi một tấm card cám ơn nhà tuyển dụng và nhắc lại sự quan tâm của bạn tới công ty. Đồng thời thể hiện niềm hi vọng họ sẽ lưu ý bạn tới những vị trí tuyển dụng trong tương lai. Và cho dù bạn không gửi lại phản hồi hay làm bất cứ gì, đừng nói xấu công ty hay người phỏng vấn trên blog của mình”.

Hỏi những nhận xét của nhà tuyển dụng


Kador đề nghị bạn nên nói rằng mình chấp nhận quyết định của nhà tuyển dụng trước khi đề nghị giải thích lí do bạn bị loại. Ông nói: “Sẽ không ai nói chuyện với bạn nếu họ nghĩ rằng bạn có ý định tranh cãi hay nài nỉ”.

Bạn có thể bỏ qua bước này nếu không đủ dũng khí để đối mặt với nhà tuyển dụng một lần nữa. Nhưng nếu vẫn quyết định hỏi, bạn nên sử dụng email. Đây là cách tốt nhất bởi nói chuyện qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp có thể khiến bên kia không thoải mái. Và dù bạn nhận được lời phản hồi như thế nào, đừng phản ứng một cách tiêu cực.

Lewis Lin, một người tư vấn nghề nghiệp, cho biết: “Bạn sẽ thường nhận được câu trả lời chung chung hay qua loa của nhà tuyển dụng nhưng bạn vẫn có thể đạt được mục đích của mình bằng cách nói khéo léo hơn như “Nếu có thời gian, anh/ chị có thể nói rõ về nguyên nhân thất bại cũng như cách khắc phục để tôi có thể cải thiện cho những cuộc phỏng vấn trong tương lai?”. Lin nhấn mạnh: “Hãy duy trì cuộc nói chuyện một cách chuyên nghiệp nhất”.

Xây dựng mạng lưới quan hệ với nhà tuyển dụng

Nếu bạn có thể giúp đỡ nhà tuyển dụng bằng cách giới thiệu một ứng viên khác, hãy làm như vậy. Thất bại khi phỏng vấn không đồng nghĩa với việc bạn không được xây dựng quan hệ với nhà tuyển dụng. Mối quan hệ của bạn càng rộng, cơ hội thành công khi xin việc của bạn càng cao.

Một CV hoàn hảo vẫn chưa là đủ

Giải thích cho việc đặt ra những câu hỏi này, ông Lý Trường Chiến cho biết: “Theo kết quả khảo sát, 90% sinh viên cho rằng điều doanh nghiệp yêu cầu cao nhất ở các bạn là kiến thức chuyên môn. Thực tế, hơn 80% doanh nghiệp quan tâm đến cách các bạn suy nghĩ về thế giới xung quanh, về bản thân, thái độ với công việc, với đồng nghiệp…”.
Chưa từng tham gia phỏng vấn, chưa từng viết CV, bạn sẽ bắt đầu từ đâu để có được công việc mơ ước? Hơn 700 sinh viên có mặt tại hội thảo “Chiếc vé thành công” ngày 20/3 tại ĐH Ngân hàng (Thủ Đức) để lắng nghe chuyên gia quản trị và tuyển dụng.
 
Không nhất thiết phải cố tạo CV "đẹp" 

1 CV phải bắt đầu như thế nào? Ông Mohalam Gonux - GĐ Công ty Chìa Khóa Vàng chia sẻ: “CV không bó buộc vào một biểu mẫu nhất định. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá dựa trên cách bạn trình bày. Điều nhà tuyển dụng (NTD) quan tâm nhất là sự trải nghiệm của bạn Dám chấp nhật khuyết điểm và tự tin với ưu điểm của mình mới là một CV tốt”. 

Phỏng vấn và kinh nghiệm thực tế

Đừng mất tự tin khi NTD hỏi bạn về kinh nghiệm thực tiễn nếu bạn chưa từng đi làm. Bạn có thể liên hệ với các hoạt động trong cuộc sống đời thường, sinh hoạt ngoại khóa... Điều quan trọng là bạn đã rút ra những kinh nghiệm gì từ các hoạt động đó.

Những thao tác tưởng chừng như rất nhỏ (rung chân, bấm viết liên tục...) có thể khiến NTD đánh giá bạn thiếu tự tin và không nghiêm túc. Hạn chế nhìn xuống bàn vì ánh mắt tự tin rất quan trọng.

Đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, tác phong chuyên nghiệp, trung thực chia sẻ những khuyết điểm của mình và một nụ cười thân thiện sẽ là những “điểm cộng” cho cuộc phỏng vấn. 

Một tấm bằng ĐH và một CV xuất sắc chưa đủ để thành công
Chị Nguyễn Thị Kim Châu - chuyên viên nhân sự Ngân hàng ANZ chia sẻ kinh nghiệm: Đối với các câu hỏi yêu cầu kể về tình huống đã xử lý trong quá khứ, bạn nên kể theo cấu trúc STAR: Situation (bối cảnh câu chuyện), Tast (vai trò, nhiệm vụ bạn phải thực hiện), Action (hành động bạn đã làm) và Result (kết quả của hành động đó). Bằng cách này câu trả lời của bạn sẽ mạnh lạc và súc tích hơn.
Điểm nhấn của chương trình là phần phỏng vấn thử. Ban tổ chức lựa chọn 5 ứng viên có CV xuất sắc nhất trong cuộc thi viết CV diễn ra trước chương trình. Chính trong phần phỏng vấn này, sinh viên tự rút ra đáp án cho câu hỏi “Một tấm bằng ĐH và một CV xuất sắc liệu đã đủ?” 

Nhiều bạn trẻ tưởng rằng câu hỏi phỏng vấn sẽ “sát hạch kiến thức chuyên môn” rất gắt gao. Thế nhưng, cả ba ông (Jos Langens - TGĐ VNRecruitment, ông Mohalam Gonux và ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch Tritri Corp) khiến các ứng viên lúng túng khi tiếp nhận những câu hỏi rất đời thường như: “Thất bại lớn nhất trong cuộc đời bạn là gì? Bạn học được điều gì từ đó?”, “Bạn có suy nghĩ gì khi sếp giao cho bạn rất nhiều việc trong khi người đồng nghiệp bên cạnh bạn lại rảnh rang?”…

Dù chương trình đã kéo dài hơn 90 phút so với kế hoạch nhưng hầu hết các bạn sinh viên vẫn nán lại đến phút cuối vì cảm thấy hội thảo đem lại nhiều điều bổ ích cho các bạn trước ngưỡng cửa việc làm.

Để không là “kẻ ngốc” tại công sở

 Bạn sẽ chỉ được kính trọng và yêu mến khi đối xử với mọi người, từ chủ tịch tới người trợ lí, một cách nhã nhặn và công bằng như nhau.
Hài hước là một trong những yếu tố cần thiết để kết bạn cũng như xây dựng mối quan hệ nơi công sở... Tuy nhiên, những trò đùa đi quá giới hạn có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ với đồng nghiệp và tệ hơn nữa là bạn sẽ có biệt danh “kẻ ngốc”.

Do đó, bạn cần tránh những hành động, trò đùa có thể khiến đồng nghiệp tức giận. Dưới đây là một số hành động như vậy:

1. Thường xuyên chia sẻ thông tin cá nhân

Ai cũng biết rằng một cuộc nói chuyện cởi mở về những vấn đề thường ngày sẽ giúp mọi người gần gũi hơn. Và đặc biệt, vì bạn dành tới 8 tiếng một ngày bên đồng nghiệp nên nó là cơ sở để tìm hiểu cũng như chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống cá nhân của nhau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải thể hiện quá nhiều như kể lại chi tiết tình sử hẹn hò, nụ hôn đầu tiên, lần tranh cãi gần nhất với gia đình hoặc liệt kê mọi thứ bạn mua khi đi siêu thị… Tuỳ thuộc vào mức độ thường xuyên và những gì nói ra, bạn còn có nguy cơ trở thành người “bị ghét nhất” văn phòng/ công ty.

2. Hành động thoải mái như ở nhà

Có thể nói công sở như ngôi nhà thứ 2 của bạn và thật tốt nếu bạn cảm thấy thoải mái ở nơi làm việc. Nhưng tránh để sự thoải mái này đi quá giới hạn. Đừng khiến công việc bị ảnh hưởng bởi bạn thích cập nhật thông tin trên Facebook hơn là giải quyết những việc cần làm. Nhiều công ty có chương trình quản lí sử dụng Internet, email và có thể dễ dàng phát hiện ra những nhân viên làm việc kém năng suất. Ngoài ra, đồng nghiệp cũng nhận thức được thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp khi bạn thường xuyên lướt web không liên quan tới công việc hoặc gọi điện " buôn chuyện " với bạn bè trong giờ làm việc. Nếu cứ tiếp tục hành động thoải mái như ở nhà, chắc chắn bạn sẽ sớm nằm trong danh sách “đen” của sếp.

3. Quá phụ thuộc vào công nghệ
Sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật làm cho mọi mặt cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Nhưng nếu lạm dụng công nghệ, bạn có thể khiến mọi việc rắc rối hơn. Ví dụ, bạn gửi hàng loạt email, tin nhắn chỉ để hỏi những vấn đề đơn giản, thậm chí đã biết câu trả lời, sẽ khiến đồng nghiệp khó chịu. Trong trường hợp có chuyện phức tạp hơn, bạn hãy gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp thay vì gửi những tin nhắn vụn vặt.

4. Trở thành người ba hoa nơi công sở

Bạn có quyền giới thiệu những kĩ năng và thành công của mình nhưng đừng nói quá lên hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, để ý đồng nghiệp và báo lại với sếp những tật xấu của họ cũng là việc không nên. Bạn sẽ gây ấn tượng tốt khi là một nhân viên có những quyết định thông minh và năng suất nổi bật hơn là một người chuyên đi soi mói đồng nghiệp. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng nên báo cáo với người quản lí về những gì đang diễn ra trong văn phòng nếu nó ảnh hưởng tới thời hạn hoàn thành dự án hay năng suất của cả phòng.

5. Khéo nịnh sếp và phớt lờ cấp dưới

Không ai thích kẻ nịnh bợ hay người giả dối. Do đó, hãy suy nghĩ kĩ trước khi dùng lời lẽ để gây ấn tượng với sếp hoặc phớt lờ những người có vị trí thấp hơn của bạn. Thêm nữa, tránh thiên vị cho đồng nghiệp những nhiệm vụ béo bở trong khi giao cho nhân viên cấp dưới công việc vụn vặt.

6. Dù ốm vẫn đến cơ quan

Bạn muốn thể hiện tình yêu công việc bằng cách xuất hiện ở cơ quan ngay cả khi bị ốm. Nhưng điều đó có thể không được đồng nghiệp hoan nghênh. Năng suất, hiệu quả công việc của bạn bị ảnh hưởng và đồng nghiệp có nguy cơ bị nhiễm bệnh từ bạn, hoặc ít nhất cũng thấy bực mình khi làm việc bên cạnh một người ho liên tục. Cách giải quyết tốt nhất là bạn nên ở nhà và nghỉ ngơi hoặc làm việc ở khu vực không ảnh hưởng tới người khác.

Nhảy việc theo tiền lương, có đáng không?

Hơn nữa một công ty tiềm năng sẽ ưu tiên cho công tác bồi dưỡng nhân viên nội bộ hơn là nhân viên ngoài luồng, như thế tức là công ty đã tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp một cách rõ ràng cho nhân viên của mình, tạo điều kiện cho họ tham gia các dự án, hạng mục thúc đẩy tinh thần làm việc.

Nếu đổi việc, lương sẽ tăng 88%, bạn có nhảy việc? Hiện nhảy việc đã thành trào lưu, không chỉ tính trung thành với công ty bị mất đi, còn tạo nên sự thiếu hụt nhân tài, và các công ty cũng “lao” vào công cuộc ngã giá tiền lương nhằm thu hút nhân lực.

Tăng lương do thiếu hụt nhân tài

Nhảy việc vốn không phải là việc xấu, nhưng nếu nguồn nhân lực của một ngành nghề là lưu động chứng tỏ ngành nghề này đang trong giai đoạn phát triển không ngừng và cần có nguồn nhân lực dồi dào.

Vấn đề thực tế là nhân viên nhảy việc theo tiền lương đang trở nên rất phổ biến. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển hướng và phát triển nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực là rất lớn trong khi hệ thống tiền lương còn chưa được hoàn thiện. Những năm gần đây, quá trình chuyển hướng nền kinh tế đang đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân tài và trở thành một vấn đề nóng bỏng.

Khi tăng lương là liệu pháp chữa cháy cho công ty

Tăng lương với mục tiêu ngăn cản sự cắt giảm nhân lực cho công ty, là thủ đoạn thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, là phương pháp chữa cháy nhất thời cho công ty.

Khi tham gia vào cuộc chiến tiền lương, dù có những lợi ích nhất định nhưng công ty sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề như nâng cao chi phí sử dụng nhân viên cũ và tuyển dụng nhân viên mới. Trong phản ứng dây chuyền của chính sách này thì doanh nghiệp vừa là người được lợi và cũng vừa là nạn nhân .

Sự nhảy việc thường xuyên của nhân viên gây ra cuộc khủng khoảng nội bộ trong công ty. Để bổ sung vào những vị trí trống do nhân viên nghỉ việc công ty phải sử dụng các nhân viên chưa đủ kinh nghiệm hoặc trình độ nghiệp vụ; việc sử dụng nhân viên cùng cấp bậc ngoài chức trách không thể đáp ứng được yêu cầu như những nhân viên trong cùng chuyên ngành. Kết quả, chi phí lao động gia tăng nhưng lợi nhuận không hề tăng lên và năng lực đội ngũ nhân viên cũng không được cải thiện. Trong cuộc chiến tăng lương này, một lần nữa mang đến sự bất ổn trong hệ thống thanh toán lương, trợ cấp và văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng lúng túng hơn khi nhân viên sẵn sàng bỏ việc khi có một công việc với mức lương cao hơn.

Nhân viên mới nên tránh hành vi nhảy việc

Trong cuộc chiến tiền lương hỗn loạn như hiện nay, các chuyên gia nguồn nhân lực kiến nghị những sinh viên mới ra trường hãy cẩn trọng khi quyết định nhảy việc.

Những người mới đi làm thường thay đổi công việc trong 1-2 năm nhưng mức lương có thể tăng 10%-20%; nếu tiếp tục trong khoảng 5-6 năm thì không ít trong số họ sẽ tham gia làm việc cho hàng loạt các công ty trong cùng một lĩnh vực, cho dù tiền lương tăng lên không ít nhưng đổi lại cơ hôi thăng tiến dường như bằng không và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của sự nghiệp. Bù lại nếu bạn làm cho một công ty với cùng khoảng thời gian như vậy, cơ hội thăng tiến là rất lớn khi nhìn lại vị trí của bạn có thể đã tiến lên rất xa. Một chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực từng nói: Doanh nghiệp trong quá trình thu hút tài năng không ngừng tạo ra cuộc chiến bong bong tài năng, người mới vào nghề với kinh nghiệm ít ỏi, kiến thức chưa vững dễ bị thiệt thòi và mất đi cơ hội làm việc.

Một dấu hiệu mới, các công ty ngày càng trọng dụng và đánh giá cao sự trung thành của nhân viên, và không mong muốn bỏ phí thời gian để sử dụng nhân lực chạy theo tiền lương. Hiện nay nhiều công ty yêu cầu nhân viên mới cho biết phương thức liên lạc với công ty cũ hoặc người phụ trách trước kia của họ trong giấy giới thiệu hay hồ sơ xin việc để kiểm tra lại sự trung thành của họ với công ty trước.

Lời khuyên cho người nhân viên mới: Không phải là không thể nhảy việc mà bạn cần hiểu rằng không nên vì một chút ít tiền lương làm lãng phí thời gian và cơ hôi quý báu phát triển sự nghiệp.

Đừng để “lộ” lý do nhảy việc khi đi phỏng vấn

Những người “lắm tài thường nhiều tật”, cấp trên của bạn cũng không ngoại lệ. Lý do không thể làm việc dưới quyền của những con người chỉ là cái cớ che đậy khả năng thích ứng yếu kém, những kỹ năng ứng xử nghèo nàn của bạn mà thôi.
“Lý do nào khiến bạn quyết định nhảy việc?” là một trong những câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời, nhưng hãy coi chừng, nó là một trong những “quái chiêu” để đánh giá ứng viên. Cần hết sức thận trọng và tránh đề cập đến những nguyên nhân nhạy cảm sau.

1. Lương “quá bèo”
 
Bất kể bạn dùng phương thức nào để nói về thu nhập của mình, cũng đừng nên trả lời một cách quá “đơn thuần” rằng chỉ vì lý do lương thấp, không đủ sống. Câu trả lời này đôi khi lại được nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Bởi nó thường kèm theo: “Nếu có công việc lương cao hơn, tôi sẽ chẳng do dự mà nhảy việc”. Nhà tuyển dụng không mong muốn tuyển dụng những nhân viên chỉ biết đến bản thân mình, tự cao tự đại, không có tinh thần trách nhiệm với công việc.

2. Quan hệ nơi làm cũ quá phức tạp

Hiện nay, tinh thần “teamwork” là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, bởi có đoàn kết mới có thể tạo sức mạnh để chiếm lĩnh thành công. Tỏ ra né tránh, thích “đơn thương độc mã” hoặc lo lắng khi phải giao lưu với đồng nghiệp vì lý do những mối quan hệ này quá phức tạp chỉ là những biểu hiện kém cỏi về năng lực xã giao, khả năng điều hòa các mối quan hệ của bạn mà thôi. Theo lẽ thường, bạn sẽ mất điểm trước những nhà tuyển dụng khó tính.

3. Phân công không hợp lý

Thường xuyên phải làm những “việc vặt” không đúng với chuyên môn của mình hoặc thấy bất mãn với việc công ty “bảo mật” mức lương của từng nhân viên…là nguyên nhân khiến bạn nhảy việc thì quả thật không đáng.

Những công việc vặt được giao không chỉ đơn thuần là cấp trên muốn “rảnh tay” trút lên đầu ai đó, mà chỉ là do bạn chưa thực sự được tin tưởng để giao phó những công việc quan trọng hơn. Đề cập đến nguyên nhân này chỉ hạ thấp giá trị bản thân bạn mà thôi.

Một số doanh nghiệp “bảo mật” mức lương của từng nhân viên nhằm tránh sự ghanh tỵ hoặc gây mâu thuẫn nội bộ. Nếu chỉ vì điều này mà bạn “bất mãn” thì càng chứng tỏ bạn không hề tự tin vào chính năng lực cũng như khả năng cạnh tranh của mình. Tất nhiên, nhà tuyển dụng sẽ loại bạn khỏi danh sách những ứng viên trúng tuyển.

4. Cấp trên có nhiều “tật”

Ngoài ra, nói xấu sếp cũ là điều tối kỵ khi đi phỏng vấn. Vì nhà tuyển dụng cho rằng, biết đâu ngày nào đó, người bị bạn nói xấu không ai khác mà chính là họ?.

5. Áp lực công việc quá lớn

Lối sống công nghiệp hiện đại đòi hỏi bạn lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng làm việc. Công việc càng áp lực càng đỏi hỏi những người có năng lực chân chính và tình yêu nghề sâu sắc. Nếu tự khẳng định mình kém năng lực thích ứng vì áp lực công việc quá lớn chẳng khác nào bạn tự viết “giấy khai tử” cho chính lá đơn xin việc của bạn.

Những điều nên và không nên trong các buổi phỏng vấn

Hơn nữa bạn đang phỏng vấn cho công việc mới, làm việc cho một môi trường mới, một cơ quan mới, nói về chuyện cũ, người cũ không có ích gì trong trường hợp này.
Bạn nộp hồ sơ cho một công việc mình yêu thích và được mời đến phỏng vấn. Đó là bước khởi đầu cực kỳ thuận lợi. Tuy nhiên bạn phải làm gì để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một ứng viên sáng giá?
Đúng giờ
Giống như tất cả mọi ngày, nhà tuyển dụng luôn luôn bận rộn với quá nhiều công việc. Hãy cho họ biết rằng bạn tôn trọng thời gian của họ và thời gian đó thực sự rất quý giá với bạn. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ rất thiện cảm với một ứng viên đúng hẹn với một chiếc đồng hồ trên tay và sẵn sàng tạo cho bạn một cơ hội để trình bày về bản thân - những điều mà CV không thể nói hết về con người bạn.
Đến muốn cho phép nhà tuyển dụng kết luận bạn là người tự cho mình là trung tâm, chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người khác, vô kỷ luật, bất lịch sự. Đừng lấy bất kỳ lý do gì để bào chữa cho hành vi đến muộn của mình, tắc đường, gặp việc đột xuất, hỏng xe...tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Trang phục
Hầu như tất cả mọi người đều rất quan tâm đến việc mình phải ăn mặc đẹp trong cuộc phỏng vấn. Nhưng khái niệm đẹp có lẽ còn nhiều điều phải bàn. Không phải cứ ăn mặc cầu kỳ, thời trang hợp mốt mới là đẹp. Ăn vận đẹp nơi công sở nói chung và trong phỏng vấn nói riêng đồng nghĩa với lịch sự và hợp bối cảnh. Bạn có thể mặc quần jeans và áo phông rất đẹp và năng động, nhưng trong một cơ quan làm nghiên cứu, hay hành chính sự nghiệp nhà nước chắc chắn là không hợp. Bạn sẽ rất đẹp và gợi cảm trong chiếc áo khoét nách và không cổ khi đi dạo, đi mua sắm, đi biển nhưng sẽ là không hợp bối cảnh khi bạn mặc nó đến công sở. Một sự bất cẩn trong cách ăn mặc cũng có thể khiến nhà tuyển dụng quy kết bạn là người tuỳ tiện thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng người khác.
Bắt tay
Bắt tay là một hành động quen thuộc trong giao tiếp, rất có thể bạn sẽ gặp trong cuộc phỏng vấn. Bạn làm thế nào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ phút giao tiếp đầu tiên, hay bạn để lại ấn tượng gì với họ trong phút cuối cùng khi ra về. Một cái bắt tay chắc chắn (nhưng không nắm quá mạnh), không quá lâu với thái độ trân trọng sẽ ngay lập tức tạo ra cảm giác thân thiện và thoải mái với cả hai. Ngược lại những cái bắt tay quá hời hợt nhanh chóng sẽ khiến làm cho đối phương nghĩ rằng bạn chẳng mặn mà gì với mối quan hệ này. Rất có thể họ sẽ đánh giá bạn là người hời hợt, thiếu tế nhị.
Khi được đề nghị bắt tay bạn nên đón nhận bằng cả hai tay để thế hiện sự tôn trọng họ, nắm tay họ một chắc chắn không hời hợt nhưng cũng không quá mạnh, không nên giữ tay họ trong một thời gian quá lâu, nhưng cũng không nên buông nhanh chóng. Hãy thể hiện rằng bạn tôn trọng và trân trọng mối quan hệ mà hai người đã gây dựng được.

Ghi chép

Lắng nghe nhà tuyển dụng trao đổi một cách tập trung và chăm chú thôi chưa đủ, ghi chép lại trong cuốn sổ tay nhỏ của bạn sẽ khiến họ đánh giá rất cao phong cách làm việc của bạn. Hãy ghi chép lại những thông tin mà nhà tuyển dụng cung cấp về cơ quan của họ, những nội dung của công việc mà bạn đang ứng tuyển, các lịch hẹn tiếp theo của nhà tuyển dụng...
Họ sẽ nhìn thấy bạn là người làm việc có khoa học, cẩn thận và lên kế hoạch rõ ràng.
Thể hiện những hình ảnh tích cực của bản thân
Trong suốt quá phỏng vấn có vô số những cơ hội bạn có thể cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm của bạn. Hãy cho họ thấy hình ảnh tự tin của bạn khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn cũng như khi giao tiếp.
Ngôn ngữ và cách thể hiện ngôn ngữ rất quan trọng trong trường hợp này. Nếu như giọng bạn khá trầm và nhỏ, nếu như bạn nói quá nhanh, nếu như bạn nói hay bị vấp, hãy cố gắng nói thật rõ ràng, nhấn mạnh vào những điểm bạn cần nhấn mạnh. Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi lại bạn hay nhắc lại câu hỏi của chính họ nếu như họ nghe rõ những điều bạn nói.
Hãy nhìn vào mắt người phỏng vấn trong khi giao tiếp, đó là cách chuyển tải thái độ của bạn nhanh nhất đến nhà tuyển dụng.
Hãy sử dụng tên của nhà tuyển dụng trong quá trình giao tiếp nhưng nên có chừng mực. Nó chứng tỏ bạn đang quan tâm và lắng nghe. Nó cũng giúp bạn thiết lập mối quan hệ đầu tiên với nhà tuyển dụng, một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho một cuộc phỏng vấn.
Cảm ơn họ "hai lần"
Vào cuối cuộc phỏng vấn, bạn thường cảm ơn người phỏng vấn, tuy nhiên hãy cố gắng nhấn mạnh lời cảm ơn tới họ vì hai điều: thứ nhất họ đã dành thời gian cho bạn, và thứ hai họ đã tạo cho bạn một cơ hội để tiếp cận với vị trí tuyển dụng. Giống như việc bạn đến đúng giờ, lời cảm ơn thể hiện thái độ trân trọng và đánh giá cao giá trị thời gian mà nhà phỏng vấn dành cho bạn.
Cuộc phỏng vấn của bạn cho tới khi ra về vẫn chưa kết thúc khi sau đó bạn viết một lá thứ cảm ơn đến họ và trình bày những mong muốn của mình với công việc đó. Chú ý là thư cần thật ngắn gọn, súc tích. E - mail ngày nay rất thông dụng, nhưng nếu bạn gửi một bức thư qua đường bưu điện, dấu ấn của bạn để lại sẽ nhiều hơn. Lưu ý rằng đây là loại hình giao tiếp trong công việc, kinh doanh nên thư không nên viết tay mà nên đánh máy rõ ràng.

3 điều không nên

Không nói điều gì mà mình không biết chắc

Thể hiện sự học hỏi càng nhiều càng tốt từ cơ quan và vị trí bạn ứng tuyển sẽ thể hiện phỏng cách và thái độ làm việc của bạn trong tương lai. Hãy nhớ rằng người phỏng vấn bạn đang làm việc cho cơ quan này, mà họ nắm chắc những thông tin cũng như tình trạng hoạt động của họ hơn ai hết. Chính vì thế đừng nói những gì mà mình không biết chắc, cũng như đừng quá tán dương cơ quan này, nó có thể làm cho bạn mất rất nhiều điểm ngay từ lần gặp đầu tiên.

Không làm mất uy tín của cơ quan làm việc cũ
Nếu bạn đã từng rời bỏ một công ty nào đó để tìm một công việc mới, nếu không thể nói được một điều gì tốt từ đó, tốt nhất là không nói gì cả. Sẽ thật không hay nếu như bạn nói điều gì đó không tốt về đồng nghiệp, cơ quan cũ chỉ để bảo vệ chính mình. Nhà tuyển dụng có thể ngay lập tức cảm thấy khó chịu về cách hành xử của bạn. Cho dù điều bạn nói là thật hay không người phỏng vấn sẽ cho rằng bạn là người không có tính trách nhiệm thay vào đó là đổ trách nhiệm cho người khác khi công việc không thành. Một tình huống khác họ có thể đặt ra, sau khi làm việc cho họ vì một lý do nào đó bạn cũng ra đi, đến một nơi mới bạn có hạ thấp hình ảnh của họ chỉ để bảo vệ chính bạn hay không?

Đừng nói dối về bất cứ điều gì.

Đừng nói dối hay thêm thắt, to vẽ về bất cư điều gì. Hãy nhớ rằng mọi người đều tôn trọng và đánh giá cao những người làm nhiều hơn nói chứ không phải nói nhiều hơn làm.

Bí quyết để có một mức lương mơ ước

Mỗi người đều có những nhu cầu khác ngoài tiền bạc. Bạn có thể lắng nghe lời khuyên từ bạn bè, nhưng rốt cuộc bạn là người thực hiện việc hàng ngày và bạn phải tự quyết định mình có thực sự thích công việc đó không. Không thống kê mức lương nào cho bạn biết điều đó. Một vài người đánh đổi tiền bạc để có thêm thời gian dành cho gia đình, một số người lại bỏ qua vấn đề tiền bạc để làm công việc thực sự cuốn hút họ. 
Dù không thích việc phải thương thuyết với nhà tuyển dụng hoặc không coi trọng vấn đề tiền lương nhưng chỉ cần một chút khéo léo và cố gắng, bạn có thể làm tăng thu nhập hàng tháng cũng như các khoản trợ cấp khác của mình.
Bạn có thể áp dụng một số lời khuyên sau để đạt được mức lợi ích cao nhất khi thương lượng mức lương:

Không nên đưa ra một con số cụ thể trong cuộc phỏng vấn

Nếu bạn chủ động đưa ra một con số cụ thể trước, người phỏng vấn sẽ căn cứ vào đó để hạ thấp mức lương của bạn. Họ thường nói rằng đó là mức lương quá cao và đề nghị một con số khác nhỏ hơn. Ngoài ra, có thể bạn lại đề nghị một mức lương thấp hơn mong đợi của nhà tuyển dụng ( và họ sẽ rất vui mừng trong trường hợp này ). Người nói ra trước con số cụ thể sẽ khiến đối phương đề ra hành động có lợi hơn. Do đó, người phỏng vấn luôn muốn ứng viên sẽ nói ra điều này trước.
Để khắc phục tình huống này, bạn không nên đưa ra một con số cao chót vót với hi vọng nhà tuyển dụng sẽ tự động hạ thấp dần tới mức chấp nhận được. Họ sẽ cho rằng bạn không thực tế và cuộc thương lượng có thể thất bại trước khi thực sự bắt đầu. Tốt nhất, khi được hỏi về tiền lương, hãy hỏi lại người phỏng vấn rằng họ trả bao nhiêu cho vị trí tuyển dụng. Dù anh/ ta đưa ra con số bao nhiêu, hãy nói: "Đó là một điểm khởi đầu tốt" (và sau đó bạn có thể yêu cầu nhiều hơn).
Hãy hỏi thêm về những trách nhiệm công việc bởi nó ảnh hưởng tới tiền lương của bạn. Nhấn mạnh rằng đóng góp của bạn cho sự phát triển của công ty quan trọng hơn. Mẹo này giúp bạn chứng tỏ bạn là một thành viên trong nhóm và thực sự muốn cống hiến cho công ty. Nó có thể khiến nhà tuyển dụng thoáng hơn trong việc chi trả cho một nhân viên tâm huyết, muốn gắn bó với công ty.
Nếu các bước trên không mang lại hiệu quả, hãy áp dụng hình thức thương lượng " trọn gói". Bạn có thể đưa ra một mức lương bao gồm tiền lương cứng, thưởng, trợ cấp xăng xe, điện thoại… Nhà tuyển dụng sẽ không biết bao nhiêu phần trăm trong số đó là lương thực tế và bao nhiêu là phần lợi ích. Chú ý, tránh khoác lác " Công ty A sẵn sàng trả… để có được sự phục vụ của tôi" bởi công ty trả lương cho những giá trị hiện tại của bạn chứ không phải vì công ty khác.

Không thương lượng cho tới khi bạn nhận được một lời đề nghị qua văn bản

Giả sử bạn không nhận được một lời đề nghị rõ ràng và cụ thể qua văn bản trước khi bước vào vòng thương lượng, người phỏng vấn có thể tăng thêm 5 đồng trong lương cơ bản. Bạn vui mừng chấp nhận và kí hợp đồng ngay vì cho rằng mình được trả cao hơn mong đợi. Nhưng thực tế có thể bạn lại mất đi 10 đồng trong các khoản thưởng và trợ cấp ( những điều này lại không được người phỏng vấn nói đến). Ngược lại, nếu nhận được một văn bản đề nghị rõ ràng, bạn biết mình sẽ làm gì trong cuộc thương lượng.
Một khi nhận được lời đề nghị qua văn bản, hãy yêu cầu một thời gian ngắn để xem xét, cân nhắc. Dù thương thuyết không phải thế mạnh của bản thân nhưng nếu cố gắng, số tiền bạn nhận được sẽ nhiều hơn và kĩ năng thương lượng của bạn cũng tiến bộ hơn.

Nghiên cứu và lên kế hoạch cho " cuộc tấn công " của bạn

Để đề nghị một mức lương phù hợp, bạn cần biết vị trí công việc được trả ở khoảng nào. Hãy kiểm tra các thông kê về mức lương trực tuyến, qua báo chí. Tốt nhất là tìm hiểu thông qua mạng lưới quan hệ của bạn, hỏi những người làm công việc tương tự. Tìm ra mức cao nhất trong khoảng lương đó và đề nghị. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã tìm hiểu và bạn xứng đáng với con số cao nhất đó.
Kể cả khi bạn chưa đạt đến mức cao nhất đó, hãy mở rộng trách nhiệm của mình để phù hợp với nó. Ví dụ, nếu bạn là nhân viên marketing và có nền tảng bán hàng tốt, bạn có thể gánh vác thêm trọng trách của nhân viên bán hàng. Hãy đề nghị mức lương cao hơn vì rõ ràng công ty sẽ không tốn thêm ngân sách cho một nhân viên nữa khi bạn có thể đảm nhận cả 2.

Hiểu rõ điều bạn thực sự cần
 Còn bạn, bạn có thể đánh đổi tiền bạc với điều gì? Hãy trung thực với bản thân. Tuy nhiên, cũng không nên từ bỏ việc có thêm tiền vì những lí do " lãng xẹt" như bạn không thích phải thương lượng, bạn ngại đề cập tới vấn đề tiền bạc, hay chưa có ai trong công ty làm như vậy… Sự kết hợp giữa khả năng của bản thân và kĩ năng thương thuyết tốt sẽ giúp bạn đạt được mức lương xứng đáng với mình.